Thuê xe sân bay đi Yên Tử - hành trình kết nối tâm linh đầy thú vị

Nếu đang tìm kiếm một địa điểm du lịch tâm linh thì Yên Tử chính là một gợi ý hoàn hảo dành cho bạn. Ẩn mình trong không gian núi non hùng vĩ, quần thể di tích và thắng cảnh Yên Tử mang trong mình nét cổ kính trầm mặc, gắn liền với sự hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm tại Việt Nam. Thuê xe sân bay đi Yên Tử, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng khung cảnh núi non hùng vĩ, tận hưởng thiên nhiên trong lành mà còn được hoà mình vào không khí linh thiêng của đất Phật. 

Yên Tử là vùng đất Phật linh thiêng nổi tiếng với khu du lịch Yên Tử có cảnh đẹp nên thơ cùng hệ thống chùa chiền mang lối kiến trúc cổ độc đáo, thu hút du khách xa gần. Nếu đang lên kế hoạch tham quan non thiêng Yên Tử mà chưa biết bắt đầu từ đâu thì hãy tham khảo hướng dẫn chi tiết sau đây bạn nhé!

Đi du lịch Yên Tử mùa nào lý tưởng nhất?

Du khách có thể đến Yên Tử tham quan, vãn cảnh, lễ Phật vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Bạn chỉ cần theo dõi dự báo thời tiết, tránh những ngày mưa bão gây khó khăn cho việc di chuyển. Du lịch Yên Tử, Quảng Ninh đẹp nhất là vào mùa xuân (từ tháng 1 đến tháng 3 Âm lịch) với kiểu thời tiết mát mẻ, trong lành và cũng là thời điểm diễn ra lễ hội Yên Tử, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, lễ Phật. Một lưu ý nho nhỏ là vào thời điểm diễn ra nhiều lễ hội, du khách đến đây rất đông nên bạn cần cân nhắc nếu không thích chen chúc hoặc đi cùng người già, trẻ em. 

Thời điểm lý tưởng để đi du lịch Yên Tử là từ tháng 1 đến tháng 3 Âm lịch

Mùa xuân là thời điểm lý tưởng để đi du lịch Yên Tử

Phương tiện di chuyển đến với khu du lịch tâm linh Yên Tử

Du khách ở các tỉnh thành lân cận có thể đến Yên Tử, Quảng Ninh bằng các phương tiện như xe máy, ô tô, taxi, xe khách… Nếu xuất phát từ Hà Nội, bạn đi theo lối cầu Chương Dương qua Nguyễn Văn Cừ, đi hướng QL18 đến Bắc Ninh, sau đó đi thẳng, đến Chùa Trình thì rẽ trái, đi khoảng 10km sẽ đến Yên Tử. Đối với những du khách ở xa thì có thể di chuyển đến sân bay Cát Bi (Hải Phòng) / sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), sau đó thuê xe đưa đón đến điểm du lịch Yên Tử. 

Ngoài phương tiện đi đến Yên Tử, bạn cũng cần tìm hiểu phương tiện di chuyển lên đỉnh núi Yên Tử:  

  • Đi bộ: Đoạn đường núi dài 6km sẽ là quãng đường bạn thực hiện thử thách chinh phục Yên Tử. Khá vất vả để có thể đi được đoạn đường này nhưng bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của cảnh vật núi rừng. 
  • Đi cáp treo: Hệ thống cáp treo hiện đại dài 1.2km ở độ cao 450m sẽ giúp bạn di chuyển nhanh chóng, vừa tiết kiệm thời gian vừa ngắm cảnh núi non từ trên cao. Giá vé: 350.000 VNĐ/ người (khứ hồi), 200.000 VNĐ/ người (một chiều), miễn phí đối với người già trên 70 tuổi và trẻ em dưới 1.2m.

Những điểm du lịch Yên Tử nên ghé

Hãy cùng điểm qua những di tích lịch sử và thắng cảnh Yên Tử mà bạn nhất định không nên bỏ lỡ khi đến điểm du lịch tâm linh thiêng liêng này. 

Suối Giải Oan

Trên hành trình khám phá Yên Tử, du khách sẽ ngang qua con suối Giải Oan trong xanh. Con suối này gắn liền với câu chuyện hàng trăm cung nữ đã trầm mình để ngăn cản vua Trần Nhân Tông quy y. Dừng chân tại suối Giải Oan, bạn sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh núi rừng nên thơ, lắng nghe những thanh âm yên bình với tiếng chim líu lo, tiếng suối chảy róc rách. Tất cả sẽ đem đến cho bạn cảm giác thư thái khó tả. 

Suối Giải Oan sở hữu khung cảnh nên thơ, yên bình

Khung cảnh yên bình tại suối Giải Oan

Chùa Trình

Chùa Trình (hay còn được gọi là chùa Bí Thượng, đền Trình) được xây dựng vào thời Hậu Lê. Chùa tọa lạc tại độ cao 1000m hướng Tây Nam và có diện tích gần 20m2. Ngôi chùa có niên đại gần 400 năm với lối kiến trúc cổ độc đáo. Nổi tiếng là ngôi chùa gần như sắp chạm đến trời mây Yên Tử, chùa Trình thu hút đông đảo du khách đến tham quan, lễ Phật. Chùa Trình có không gian yên bình, cảnh quan thanh tịnh với cây cối xanh mát, suối chảy hiền hoà cùng lối kiến trúc cổ độc đáo, du lịch Yên Tử, đừng quên dừng chân tại đây để nghỉ ngơi, vãn cảnh chùa. 

Cổng trời – Bia Phật

Cổng trời là nơi có vô vàn những phiến đá trầm tích to nhỏ nằm chồng lên nhau một cách tự nhiên. Tại đây, bạn sẽ thấy một phiến đá có kích thước lớn, cao hơn 5m, rộng khoảng 2m được dựng thẳng. Mặt đá chính diện trông tựa như hình chiếc oản dâng lên cúng Phật, bên trên có đề hàng chữ “A Di Đà Phật - Tứ Tự Hồng Danh”. Phiến đá lớn này được gọi là Bia Phật. Do biến động địa chất, bãi đá tại đây trông như hàng nghìn “linh quy” (rùa thiêng) chầu về đỉnh thiêng Yên Tử. 

Cổng trời là nơi có vô vàn phiến đá trầm tích to nhỏ nằm chồng lên nhau một cách tự nhiên.

Cổng trời tại Yên Tử

Chùa Hoa Yên

Địa danh tiếp theo trong danh sách những điểm du lịch Yên Tử không thể bỏ lỡ không thể không kể đến chùa Hoa Yên. Nằm ở độ cao 535m so với mực nước biển, chùa Hoa Yên trước kia là một cái am nhỏ được vua Trần Nhân Tông dùng làm nơi giảng đạo. Ngôi chùa này trước kia có tên gọi là Phù Vân, có nghĩa là mây khói lãng đãng. Ngày nay, chùa Hoa Yên là điểm hành hương của các tín đồ Phật Giáo, về với đất Phật, về với quang cảnh thiên nhiên đất trời thanh tịnh.  

Trên đây là kinh nghiệm du lịch Yên Tử Quảng Ninh bạn cần biết trước khi bắt đầu hành trình đến với non thiêng. Hy vọng những thông tin này có thể giúp bạn có được chuyến đi ý nghĩa nhất!